Như chúng ta đã biết, nghe là kỹ năng đầu tiên và quan trọng nhất trong toàn bộ hoạt động học tập ngôn ngữ của trẻ.
Có một tin không vui dành cho tất cả chúng ta. Việc nghe tốt tiếng Anh không chỉ khó khăn với trẻ nhỏ, mà còn thực sự khó khăn ngay cả với người lớn, những người không tiếp xúc với môi trường tiếng Anh một cách liên tục.
Chính vì vậy, các chuyên gia ngôn ngữ học đều khuyên rằng, cha mẹ nên để trẻ tiếp xúc với tiếng Anh càng sớm càng tốt cho việc học của trẻ trong tương lai.
Còn tin vui là ngày nay, với sự trợ giúp của khoa học công nghệ, việc học tiếng Anh nói chung và việc luyện nghe tiếng Anh nói riêng đã trở nên dễ hơn bao giờ hết. Trẻ có thể chủ động luyện nghe tiếng Anh qua vô vàn các video hay các bài hát được đăng tải trên mạng, đa số các tư liệu này là miễn phí, một số có phí nhưng không đáng kể.
Trên thực tế, có nhiều phụ huynh buồn phiền vì không có điều kiện để trẻ có thể học tiếng Anh trong môi trường tốt nhất, đặc biệt là môi trường rèn luyện kỹ năng nghe. Tuy nhiên cha mẹ không cần phải lo lắng, vì trong cuộc sống vẫn có vô số các hoạt động tương tác giúp trẻ luyện nghe tiếng Anh với đủ các cấp độ, từ cơ bản nhất đến chuyên sâu nhất. Và theo kinh nghiệm của cô, đa số trẻ đều yêu thích các hoạt động luyện nghe này và trẻ đã rất tiến bộ theo thời gian.
Sau đây, cô xin giới thiệu đến cha mẹ thông tin và phương pháp liên quan đến việc luyện nghe của trẻ. Lưu ý rằng, để hoạt động nghe đạt hiệu quả cao, cha mẹ cần tạo dựng tâm lý thoải mái cho con trước khi nghe.
Đối với trẻ, luyện nghe có thể sẽ không phải là một hoạt động vui vẻ như khi chơi đùa, hay xem youtube. Tuy nhiên, chúng ta sẽ cố gắng giúp trẻ cảm thấy thoải mái nhất có thể trong khi luyện nghe. Dưới đây là 2 nội dung chính của phương pháp giúp trẻ cảm thấy thoải mái khi luyện nghe tiếng Anh.
Cha mẹ kết hợp việc nghe tiếng Anh vào các hoạt động hàng ngày là một cách tuyệt vời để giảm những căng thẳng mà trẻ có thể gặp phải khi nghe. Cha mẹ có thể cho trẻ tham gia chơi các trò chơi tương tác liên quan đến nghe tiếng Anh, từ đó giúp trẻ vừa tiếp thu được kiến thức mới mà lại không hề có cảm giác bị ép học.
Đôi khi, cha mẹ hãy thử để những cuốn sách luyện nghe, đĩa CD, file mp3 chính quy, truyền thống sang một bên và tìm cách khuyến khích tưởng tượng của trẻ. Việc thoát ra khỏi quy trình học tập được đề ra trong các giáo trình chính thống sẽ giúp trẻ có môi trường học tích cực và khơi dậy niềm hứng thú của trẻ.
Thay vì học theo cách truyền thống với sách vở, cha mẹ có thể chọn một câu chuyện và mỗi ngày kể cho trẻ nghe một đoạn của nó. Hãy làm cho hoạt động kể chuyện này trở nên thật đặc biệt và thu hút để trẻ mong đợi nó hàng ngày. Đừng quên đưa ra các câu hỏi trước buổi nghe để trẻ biết được mình cần lắng nghe và ghi nhớ những chi tiết nào để trả lời các câu hỏi.
Tuy nhiên, phương pháp này hơi khó với đại đa số các cha mẹ, khi chính kỹ năng tiếng Anh của chúng ta còn nhiều hạn chế. Cha mẹ có thể sưu tầm những mẩu truyện ngắn, nhỏ sau đó đọc thuộc và kể lại theo cách mà cha mẹ và con cảm thấy vui vẻ nhất.
Cô vừa giới thiệu đến cha mẹ 2 biện pháp nhằm giúp con thoải mái khi luyện nghe tiếng Anh, tiếp theo cô gửi đến cha mẹ 5 hoạt động luyện nghe thú vị dành cho trẻ.
Các hoạt động luyện nghe được thiết kế nhằm tạo cảm giác hấp dẫn, mới lạ cho trẻ trong quá trình học. Thông qua các hoạt động, trẻ luôn cảm thấy mới lạ và tràn đầy năng lượng khi tham gia.
Ý tưởng của hoạt động này là để trẻ vẽ lại những gì chúng nghe được, qua đó giúp trẻ có cơ hội thể hiện năng khiếu hội họa bên cạnh việc nâng cao kỹ năng nghe. Cha mẹ có thể chọn trước một cuốn truyện dành cho thiếu nhi, hay chỉ đơn giản là một câu chuyện ngắn bao gồm các từ vựng và cấu trúc câu mà trẻ đang học.
Đối với trẻ mầm non, cha mẹ nên để trẻ bắt đầu với các cụm từ đơn giản chứ không nhất thiết phải là một câu chuyện. Sau khi cha mẹ đã đọc hết tất cả các cụm từ và trẻ đã vẽ xong, hãy cùng trẻ xây dựng một câu chuyện hoàn chỉnh dựa trên các hình ảnh. Ví dụ: trẻ được yêu cầu vẽ một con mèo màu xanh đang cười, hai con chó thì lại có vẻ mặt buồn bã và một chiếc cốc vỡ. Bây giờ, cha mẹ có thể đặt câu hỏi về các cụm từ để kết nối chúng lại với nhau. Tại sao những con chó lại buồn? Tại sao con mèo lại cười? Tại sao chiếc cốc lại vỡ? …
“Có gì trên trán” là một trò chơi đoán danh tính của người nổi tiếng hay đồ vật dựa trên đặc điểm của nó. Trò chơi này có rất nhiều cách chơi, sau đây là hai cách chơi phổ biến nhất.
Cách chơi thứ nhất
Đối với cách chơi đoán dựa vào đặc điểm cho trước, đầu tiên, cha mẹ cần chuẩn bị một danh sách mô tả về những người nổi tiếng, động vật hoặc vật dụng hàng ngày. Mỗi mô tả cần có từ 5 đến 8 đặc điểm, bắt đầu từ rất mơ hồ và dần trở nên chi tiết hơn. Cha mẹ hãy đọc các đặc điểm cho trẻ nghe, bắt đầu từ những điều không cụ thể và để trẻ đoán xem đó là gì.
Cách chơi thứ hai
Trẻ sẽ đặt câu hỏi về đối tượng cần đoán và cha mẹ sẽ đưa ra câu trả lời “yes” hoặc “no”. Đối với đối tượng là con người, trẻ có thể hỏi các câu hỏi về giới tính, nghề nghiệp, tuổi tác. Đối với đồ vật hay con vật, trẻ có thể đặt câu hỏi về màu sắc, công dụng, tiếng kêu, nơi sinh sống.
Đây là một trò chơi thích hợp chơi theo nhóm để tăng tính cạnh tranh nhưng đồng thời trẻ cũng có thể chơi một mình. Nhiệm vụ của trẻ là lắng nghe từ, cụm từ hoặc câu ngắn sau đó viết lại chính xác những gì trẻ nghe được.
Ở cấp độ dễ, trò chơi chủ yếu gắn với các từ vựng, nhưng cha mẹ hoàn toàn có thể mở rộng bài học để dạy trẻ ngữ âm. Sau khi trẻ viết các từ nghe được lên bảng, hãy yêu cầu trẻ khoanh tròn các nguyên âm hoặc gạch chân tiền tố / hậu tố.
Ở cấp độ khó hơn, nếu cha mẹ muốn dạy trẻ từ vựng nhưng làm cho nó khó hơn một chút, hãy cho trẻ nghe từ vựng và yêu cầu trẻ viết nó trong một câu hoàn chính. Đây là một cách rất thú vị để trẻ vừa học từ vựng, vừa ôn lại ngữ pháp và cấu trúc câu.
Hoạt động này yêu cầu cha mẹ phải chuẩn bị một câu chuyện chứa những từ vựng cần thiết và những tấm thẻ flashcards chứa những từ vựng này. Đưa cho trẻ những tấm thẻ từ vựng và yêu cầu trẻ phải giơ được flashcard với từ vựng chính xác khi nghe được nó trong câu chuyện.
Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể để trẻ vừa nghe vừa cầm văn bản để đọc. Điều này sẽ giúp trẻ nhận được mặt chữ. Sau khi trẻ nắm bắt được câu chuyện, hãy cùng trẻ chơi lại một lần nữa không cần văn bản mà tự nghe và phát hiện được từ.
Để nâng cao độ khó của hoạt động, cha mẹ hãy đọc câu chuyện ba lần. Sau mỗi lần, hãy tăng tốc độ đọc lên – bắt đầu bằng tốc độ thật chậm và kết thúc bằng việc đọc với tốc độ như giao tiếp với người bản xứ.
“Tam sao thất bản” cũng là một hoạt động thích hợp cho một nhóm, cha mẹ có thể tập hợp nhiều trẻ trong gia đình lại và cùng chơi với nhau.
Luật chơi rất đơn giản, trẻ sẽ xếp thành hàng và người đứng cuối cùng sẽ nhận được một tấm thẻ với từ vựng trên đó. Trách nhiệm của trẻ là thì thầm từ vựng đó lần lượt cho người đứng bên trên mình, và người đứng trên cùng sẽ có trách nhiệm viết lại từ vựng đó. Chính vì thế hoạt động này yêu cầu trẻ phải phát âm chuẩn và cũng giúp trẻ rèn luyện khả năng nghe thông qua việc xác định từ vựng vừa nghe được. Đây là trò chơi theo nhóm rất thú vị, giúp trẻ học cách làm việc theo chung và chắc chắn chúng sẽ thân thiết với nhau hơn sau khi cùng tham gia hoạt động này.
Khi cha mẹ sử dụng các hoạt động tương tác để giúp trẻ học tập, trẻ sẽ được tiếp xúc với tất cả các khía cạnh của việc học một ngôn ngữ mới mà không phải chịu áp lực như khi tham gia một lớp học truyền thống. Khi việc luyện nghe trở nên vui vẻ và thú vị, trẻ thậm chí sẽ không có cơ hội để sợ. Và khi những lo lắng của trẻ sẽ biến mất, hiệu quả học tập của trẻ sẽ tiến bộ lên từng ngày.
Qua bài viết này, cô giới thiệu đến cha mẹ phương pháp luyện nghe tiếng Anh cho trẻ để cha mẹ có thêm tư liệu, nguồn thông tin tham khảo để tự tin hơn trong việc dạy con học tiếng Anh. Các phương pháp có thể sẽ khó với một số cha mẹ, nhưng cha mẹ đừng nản lòng, cô luôn sẵn sàng đồng hành và giải đáp các thắc mắc của cha mẹ trong quá trình dạy con học tiếng Anh.
Chúc cha mẹ dạy con thành công.